Bàn luận: Kinh Thánh

4.9. Kinh Thánh và nhân chủng học. 

           

            Các Nhà Xã Hội Học và Nhân Chủng Học không có cách nào nhờ Thuyết Tiến Hóa để giải thích được nguồn gốc của sự khác biệt giữa các sắc tộc, nét mặt, màu da, tiếng nói, v.v... Ông Tây mũi khoằm, bà Nga mắt xanh, anh Phi tóc xoăn, v.v... Sự khác biệt ấy đến từ khi nào? Vì sao? Liệu sau này loài người có trở nên các loài khác nhau đến nỗi không còn có thể liên hệ được với nhau nữa hay không?          

            Ðể các sắc tộc có thể hình thành, xã hội loài người phải bị phân chia thành những nhóm nhỏ, sống cách biệt nhau. Khi đó, người nhóm này chỉ có thể giao phối gần gũi  với người trong nhóm mình, tạo nên con cháu có những đặc tính giống hệt cha mẹ. Thật chẳng có cách nào giải thích tốt hơn câu chuyện về nguồn gốc các dân tộc được ghi chép trong Kinh Thánh.

            Ðầu tiên, Ðức Chúa Trời tạo ông A-đam và bà Ê-va, từ ông bà ấy sinh ra loài người. Sau khi loài người bị Nạn Hồng thủy tiêu diệt, bốn đôi vợ chồng còn sống sót trở nên tổ tiên của những người hiện đại ngày nay. Họ có cùng một màu da, một  dáng đi, một nét mặt, một tiếng nói. Một ngày kia, con người cùng nhau xây một chiếc tháp cao để "lên mặt với Ðức Chúa Trời". Ðức Chúa Trời bèn khiến cho ngôn ngữ họ trở nên khác biệt, người này nói người kia không hiểu. Công việc họ đành phải bỏ dở và họ bắt đầu di cư đi khắp bốn phương tám hướng. Chiếc tháp ấy có tên là Tháp Ba-ben, có nghĩa là Tháp Ngôn ngữ.

            Các Nhà Ngôn Ngữ Học có thể hệ thống các ngôn ngữ và chứng minh rằng tất cả các ngôn ngữ của loài người đều xuất phát từ một nguồn gốc. Trước khi con người bị phân chia, sự lưu thông di truyền không bị hạn chế nên tất cả mọi người đều mang mầu sắc, nét mặt, tầm vóc giống nhau. Sau khi bị phân chia, nhờ quá trình giao phối gần gũi[1]  trong nội bộ từng nhóm, một số gien tích cực cứ tiếp tục tích cực, còn một số gien bị ức chế cứ tiếp tục bị ức chế suốt từ thế hệ này qua thế hệ khác. Kết quả là chúng ta có những chủng tộc khác nhau về hình thể bên ngoài.

            Lấy ví dụ về người trồng hoa hồng. Nếu ông ta chỉ cho phép những bông hoa đỏ được thụ tinh, còn những bông hoa hồng màu hồng thì bị ngắt đi. Dần dần, ông sẽ có giống hoa hồng đỏ thắm rực rỡ. Bằng phương pháp thụ tinh có chọn lọc, ông ta có thể tạo ra các giống hoa hồng khác nhau, có giống màu trắng phau và có giống màu đen mượt như hồng nhung. Tuy khác nhau về hình dáng bên ngoài nhưng về Giải Phẫu Sinh Lý, Di Truyền bên trong chúng vẫn là loài hoa hồng. Nếu cho hai bông khác màu kết hợp với nhau, chúng vẫn tạo nên bông hồng với tất cả các đặc tính của loài hoa đó.

            Cũng như vậy, người ta có thể tạo ra các loài chó giống, mèo giống, ngựa giống. Các chủng tộc của loài người được thành hình không vì thụ tinh có chọn lọc, nhưng vì sự chia cách xã hội, ngôn ngữ và địa dư. Câu chuyện được ghi trong Kinh Thánh 3500 năm trước đây đã cung cấp cho khoa học một cách giải thích hết sức hợp lý về nguồn gốc các chủng tộc và ngôn ngữ của loài người. Thêm vào đó, Kinh Thánh khẳng định rằng dù hình dáng bên ngoài khác nhau, tất cả mọi cá nhân trên thế gian đều bình đẳng về sinh lý cũng như giá trị tinh thần. Trái lại, người theo đuổi Thuyết Tiến Hóa Cực Ðoan thường hay dùng khẩu hiệu " Loài nào mạnh loài ấy tồn tại" để thanh minh cho thái độ phân biệt chủng tộc hay hành động diệt chủng. Ðó là phong trào bài trừ người da đen ở Nam Phi hay các lò thiêu người Do Thái ở Ðức Quốc Xã.  Chính Hít -le tuyên bố rằng người Ðức là chủng tộc thượng đẳng, các giống người yếu hèn hơn như Do Thái, Tây Âu và Ðông Âu cần phải bị hủy diệt để bảo vệ môi sinh cho người Ðức. Khi thua trận, hắn lại công nhận rằng người Ðông Âu, ngưòi Anh lại cao cấp hơn nên đã thắng trận. Trước mặt Ðức Chúa Trời, con người đều được tạo dựng trong hình ảnh của Ngài và mọi linh hồn đều có giá trị tương đương như nhau.


[1] interbreeding: Giao phối gần gũi, giao phối nội bộ.


 

Xem Tiếp: Thời gian
Tác giả và  người viết | Sự tồn tại và phổ biến | Lịch sử và tiên tri | Luật pháp | Khảo cổ
Khoa học phổ thông | Vật lý | Di truyền | Nhân chủng học | Thời gian | Tin học |
Chương tiếp